CÂU CHUYỆN VỀ KIẾM NHẬT
KIẾM NHẬT
Ai cũng biết kiếm Nhật nổi tiếng về độ sắc bén qua film và các câu chuyện về samurai. Nhưng lịch sử nó hình thành như thế nào thì ít người biết đến.
1. Đặc trưng
Đặc trưng của kiếm Nhật là có 1. lưỡi cong, 2. có lưỡi một bên và 3. mặt cắt kiếm hình ngũ giác hay lục giác. Có đầy đủ 3 yếu tố này, mới được coi là kiếm Nhật.
(Chú ý: 3 yếu tố này khác với luật định hiện tại. Kiếm Nhật được sản xuất trong thòi gian hơn 1000 năm nên tùy thời đại, tùy thợ rèn, cách sản xuất kiếm khác nhau nên rất khó đặt định nghĩa chính xác. Tuy nhiên ít nhất phải có 3 yếu tố này khi gọi là kiếm Nhật)
2. Về nguyên liệu
Ngày xưa khi nước Nhật (lúc đó chưa có tên gọi Nhật, người Trung Quốc và người Nhật xưa gọi là “wa (倭)”) vào thời đồ sắt, nước Nhật không có quặng sắt như các nước láng giềng Trung Quốc và Triều Tiên. Nhưng có nhiều mạt sắt chất lượng cao (nghĩa là sắt ít tạp chất). Người Nhật cổ đại lấy mạt sắt và than gỗ (nước Nhật xưa và nay có tài nguyên gỗ phong phú) để làm thép. Phương pháp làm thép như sau:
“Cát với hàm lượng 2-5% sắt được lấy từ các vùng núi trong đó có dãy Chugoku chiếm 60% số lượng sắt có trong mạch, sau đó được sơ chế bằng cách cho dòng nước chảy qua cuốn cát đi để lại loại cát giàu sắt gọi là Masa satetsu (真砂砂鉄). Cát Masa satetsu chứa một lượng nhỏ sắt nguyên chất với hàm lượng 8% còn lại là Fe2O3 cùng một lượng rất nhỏ tạp chất như phốtpho với hàm lượng 0,026% và lưu huỳnh là 0,002%.
Khu vực luyện thép của lò được xây bằng đất sét và hai bên thành lò được gắn các ống thông gió bằng gỗ để thổi khí từ một hệ thống dẫn khí ở dưới lòng đất. Cát sẽ được đổ vào lò luyện cùng than bằng tay theo một quy trình tinh luyện là một lớp than và một lớp cát. Việc luyện thép mất khoảng ba ngày ba đêm. Nhiệt độ trong lò là khoảng 1200-1500°C thấp hơn điểm nóng chảy của thép giảm thiểu khả năng Fe2O3 nóng chảy kết hợp với SiO2 có trong đất sét làm thành lò. Sau khi tất cả các xỉ nóng chảy đã được tháo ra khỏi lò qua khe phía bên dưới và việc tinh luyện hoàn tất khu vực luyện thép sẽ bị đập ra để kéo khối kim loại bên trong ra thay vì nấu chảy và đổ ra như cách luyện khác. Thường thì tinh luyện sẽ dùng 10 tấn cát 12 tấn than sẽ cho ra 2,5 tấn kim loại gọi Kera (ケラ) chứa các vật liệu dùng làm kiếm, khối này sẽ được kéo ra ngoài để môi trường làm nguội vì thế việc tinh luyện thường chỉ thực hiện vào mùa đông. Sau đó kera sẽ được đập ra và thu được một lượng lớn gang, chưa tới một tấn tạo thành tamahagane (玉鋼, たまはがね) ở nơi chứa cacbon vừa đủ phần dưới cùng là loại thép hocho-tetsu (包丁鉄) chỉ chứa từ 0,1 đến 0,3% cacbon (thường dùng làm lõi kiếm)” Trích từ wikipeida
Nguyên liệu thép kiếm Nhật hiện nay cũng được lấy ra từ phương pháp này. Ngược lại, nếu không dùng thép tamahagane làm theo phương pháp này, không được coi là kiếm Nhật thật. Với phương pháp lấy thép nêu trên, số lượng tamahagane lấy được rất ít. Đó cũng là một lý do thợ rèn Nhật hồi xưa phải ghép nhiều loại thép khi làm kiếm để hạn chế giá thành kiếm.
Hình dáng kiếm Nhật có đặc điểm là dài, mảnh và cong. Xuất xứ hình dáng đó từ đâu? Thời Nhà Hán, Nhật Bản cũng nhập khẩu kiếm từ Trung Quốc nên ban đầu lưỡi kiếm ở Nhật cũng thẳng như kiếm những nơi khác.
3. Sự thay đổi hình dáng kiếm Nhật
Vào thế kỷ 6~8 ở khu vực Tohoku (Miền Bắc Đảo Honshu) xuất hiện kiếm chiều dài khoảng 75cm có cong ở vị trí cán kiếm, gọi là Warabite-Tou (蕨手刀nghĩa là kiếm có cán hình dáng đọt non dương sĩ). Trước đó tất cả kiếm đều thẳng từ đầu kiếm đến cán như hình trên. Vì đặc trưng này Warabite-Tou này được coi là tổ tiên trực hệ của kiếm Nhật hiện nay. Kiếm này còn có đặc trưng là thép mềm làm tâm và phần lưỡi được bọc bằng thép cứng có hàm lượng cacbon cao. Đồng thời nguyên liệu thép được gập đi gập lại nhiều lần khi được rèn. 2 đặc trưng này giống như kiếm Nhật thế hệ sau. Tuy nhiên từ Warabite-Tou biến thành hình dáng kiếm Nhật hiện nay được phát triển như thế nào thì chưa được khám phá rõ ràng. Có lẽ khi chiến đấu với bộ tộc khác ở miền Bắc Nhật Bản dùng kiếm Warabite-Tou và 2 loại kiếm thế hệ sau của họ (nêu ở dưới) và khi bắt đầu cưỡi ngựa chiến đấu, đánh địch từ trên ngựa, samurai ngày xưa phát hiện kiếm dài và cong thì uy lực chém cao hơn so với kiếm thẳng. Từ Warabite-Tou, có được làm ra 2 loại kiếm dài, mảnh và cong gọi là Kenukigata-watabite-tou (毛抜形蕨手刀) và Kenukigata-tou (毛抜形刀) có lưỡi kiếm dài khoảng 50cm. 2 loại kiếm này được bộ tộc miền Bắc Nhật Bản dùng trong thế kỷ 8~9 và có hình dáng kiếm dài hơn và cong cán nhiều hơn so với Warabite-Tou trước đây. 3 loại tổ tiên kiếm Nhật đều được bộ tộc khác ở miền Bắc Nhật Bản làm ra ở khu vực Tohoku hiện nay. Tiếp theo vào thế kỷ 10 người Nhật ở ngoài khu vực Tohoku làm ra kiếm Kenukigata-tachi(毛抜形太刀). Lưỡi kiếm này dài khoảng 60~90cm. Một số kết cấu vẫn không giống nhưng hình dáng cong, mảnh của kiếm và chiều dài lưỡi hoàn toàn khớp với kiếm Nhật hiện nay. Ghi chú:” bộ tộc khác” là bộ tộc không theo triều đình. Không phải là dân tộc khác.
Trong thời kỳ Heian (794~1185) là thời gian phát triển tầng lớp quý tộc. Để bảo vệ quý tộc, lớp samurai cũng được gọi là Bushi(武士) ra đời. Gốc từ Samurai(侍) là từ saburahi (さぶらひ) nghĩa là “người làm việc ở kế bên quý tộc”. Sau đó chức vụ này trở thành giống như vệ sĩ hiện nay và cuối cùng có ý nghĩa chiến sĩ cấp cao. Có được tầng lớp bảo vệ cho quý tộc như thế, kiếm cũng phát triển tiếp. Giữa thời kỳ Heian, 3 yếu tố kiếm Nhật hiện nay đã được hình thành.
4. Phương pháp và công nghệ làm ra kiếm Nhật rất dài và phức tạp. Sau đây là một số đặc trưng khi làm lưỡi kiếm Nhật.
- Chuẩn bị 4 loại thép độ cứng khác nhau làm nguyên liệu. Dùng thép tamahagane hàm lượng cacbon cao nhất, tạp chất ít nhất cho lưỡi kiếm. 4 loại thép đó được rèn và gập lại nhiều lần. Thí dụ, thép làm tâm kiếm được gập 7 lần, thép làm sóng được gập 9 lần, thép làm hai mặt bên được gập 12 lần, thép làm lưỡi được gập 15 lần. Trong quá trình rèn và gập, loại ra tạp chất như lưu huỳnh và cacbon dư ra khỏi thép, làm chất lượng thép đồng đều và bền bỉ.
- Ghép 4 loại thép đó bằng cách dập nóng. Sau đó rèn tiếp làm hình dáng lưỡi kiếm. Ghép 4 loại thép này mang lại tính chất đặc tính kiếm Nhật là lưỡi sắc bén, không bị gãy, không bị cong.
Phương pháp làm kiếm của các nước khác là đổ thép nóng vào khuôn để định hình. Phương pháp rèn gập nhiều lần là 1 trong những phương pháp đặc trưng của kiếm Nhật.
- Trước khi xử lý nhiệt, chuẩn bị 3 loại đất sét để quyết định tốc độ thép được tôi. Chủng loạt đất sét và chiều dày bôi trên thanh kiếm sẽ quyết định độ cong của kiếm và hoa văn trên lưỡi kiếm. Hình dáng cong và hoa văn phần lưỡi không phải làm ra bằng cách cắt ra hoặc hoa trang cho đẹp. Khi thép được tôi, thể tích thép sẽ lớn hơn. Bôi đất sét mỏng tốc độ được tôi nhanh và nở nhiều. Bôi đất sét dày, tốc độ được tôi chậm và nở ít. Cái cong ở sóng kiếm Nhật áp dụng nguyên lý sự chênh lệch tốc độ và tỷ lệ nở này. Hoa văn trên phần lưỡi cũng vậy. Do tốc độ và mức độ được tôi khác nhau nên tạo ra hoa văn giữa hai mặt bên và phần lưỡi kiếm.
Ghi chú: Sau khi kiếm Nhật được coi lại giá trị về mỹ thuật phẩm,nhiều kiếm Nhật được làm thêm hoa văn cho trang trí đẹp hơn.Tuy nhiên khi coi kỹ và thấy đổi góc độ chiếu ánh sáng, sẽ thấy được rõ hoa vân gốc của nó.
Sau thời kỳ Heian là thời kỳ Kamakura (1185~1333). Thời kỳ này bắt đầu tầng lớp samurai thống trị nước Nhật đến năm 1868. Trong thời kỳ Kamakura, ngành rèn kiếm và các vũ khí khác cũng phát triển mạnh. Có nhiều kiếm được coi là tác phẩm danh tiếng, huyền thoại được làm ra trong thời kỳ này. Ngày xưa chưa có hệ thống khoa học như hiện nay nên các thợ rèn luyện kim lấy thép và xử lý nhiệt chỉ theo kinh nghiệm của mình. Các kinh nghiệm đó không được truyền đến thế hệ sau một cách hệ thống như cách dạy bây giờ. Vì vậy nhiều công nghệ làm kiếm thời kỳ Kamakura đã mất đi và vẫn là bí ẩn, làm cho nhiều nhà khoa học và thợ rèn nghiên cứu khát vọng có lại công nghệ đó. Công nghệ kiếm Nhật hiện nay là của thời kỳ Edo (1603~1868) để lại vì thời kỳ đó nước Nhật hòa bình, được sắp xếp nhiều hệ thống tài liệu giống như hiện nay.
Sau giữa thời kỳ Muromachi (1336~1590) cách giắt kiếm thay đổi. Thời kỳ Kamakura giắt kiếm hướng lưỡi là bên dưới. Vì thời kỳ đó samurai cưỡi ngựa chiến đấu là chính. Trong giữa thời kỳ Muromachi, hướng lưỡi thay đổi là bên trên. Vì thời đại đó các Daimyo (大名 -tạm dịch là lãnh chúa) có thế lực không theo chính quyền trung ương và xã hội Nhật bất ổn, có nhiều xung đột giữa Daimyo xảy ra. Cũng có nhiều samurai cấp thấp (ashigaru足軽 – tạm dịch là bộ binh) xuất hiện và họ không cưỡi ngựa nữa. Khi đi bộ chiếu đấu, cách giắt kiếm hướng lưỡi bên dưới rút kiếm chậm hơn nên phải thay đổi cách giắt. Nhưng khi cưỡi ngựa, vẫn giắt kiếm hướng lưỡi là bên dưới.
Trong nhiều film Hollywood, samurai phải “biểu diễn” cầm kiếm đánh nhau một cánh hùng mạnh và như vô địch, nhưng
5. Trong thực tế thì như thế nào?
Năm 1274 và 1281 Quân Nhà Nguyên và Cao Ly (Triều Tiên hiện nay) xâm lược Nhật Bản. Kết quả là nhóm samurai của thời kỳ Kamakura phòng thủ thành công và quân địch bị đuổi ra. Sau cuộc chiến này, có 1 người Trung Quốc ghi lại về Nhật Bản. Trong đó có đề cập đến kiếm Nhật. “兵仗有弓刀甲、而無戈矛、騎兵結束。殊精甲往往代黄金為之、絡珠琲者甚衆、刀製長極犀、銃洞物而過、但弓以木為之、矢雖長、不能遠。人則勇敢視死不畏”. Tạm dịch là “Lính Nhật có cung, kiếm và áo giáp. Không có các loại giáo. Kỵ binh chiến đấu theo nhóm. Áo giáp tinh tế và dùng nhiều vàng. Có nhiều người đeo dây chuyền ngọc. Chế kiếm dài và cực sắc. Cán kiếm làm bằng đồ hình ống. Làm cung bằng gỗ. Tên dài nhưng không bắn xa được. Lính Nhật dũng cảm không sợ chết”. Trích từ 王惲『秋澗先生大全文集』巻四十 汎海小録
Sau cuộc chiến tranh này, kiếm Nhật là 1 sản phẩm chính xuất khẩu đi Trung Quốc và Triểu Tiên trong thời kỳ Kamakura và Muromachi tiếp theo. Trong thời Nhà Minh, trong thời gian từ năm 1432~1539, theo thống kê và ước tính khoảng 200.000 kiếm Nhật được xuất khẩu sang Nhà Minh.
Trong thời kỳ Chiến quốc và Azuchi-Momoyama(1497~1603) là thời kỳ nội chiến nước Nhật và tầng lớp samurai ra chiến trường như hàng ngày. Trong thời kỳ đó có xuất hiện súng và nước Nhật trở thành nước thứ nhì sở hữu súng nhiều nhất trên thế giới.
Sau mỗi trận đấu, các samurai báo cáo kết quả trận đấu với cấp trên (chủ công) gồm thiệt hại bên mình, thiệt hại bên địch, tên các đồng nghiệp chiến đấu chung để được đánh giá kết quả làm việc. Theo thống kê các báo cáo đó, thiệt hại do bị kiếm Nhật chém chỉ chiếm 3.8% trong tổng số bị thương. Nhiều nhất là bị trúng tên (41.3%), tiếp theo là bị trúng đạn súng (19.6%), bị giáo đâm (17.9%) bị ném đá trúng (10.3%), sau đó mới đến bị kiếm chém (3.8%), bị cắt bằng vũ khí khác (2.3%), bị thương do vũ khí khác (<1%). Đây là thống kê bị thương, không phải là chết. Nhưng % chết cũng chắc chắn đi theo tỷ lệ này. Vì vậy hiệu quả kiếm Nhật ở chiến trường thực tế ở thời kỳ này có thể nói là không hiệu quả như thời chiến tranh với Nhà Nguyên và không vô địch như film Hollywood nữa.
Sau Đại chiến thế giới thứ 2, Nhật Bản bị Quân Khối Đồng Minh (GHQ) cấm sản xuất, sở hữu kiếm Nhật. Khi đó nhiều người thợ rèn Nhật thất nghiệp tiếp sau Duy Tân Minh Trị (明治維新). Thời đó kiếm Nhật thật sự có nguy cơ mất đi vĩnh viễn nhưng bên Nhật cả chính phủ lẫn người dân thuyết phục Quân Khối Đồng Minh (GHQ) và cuối cùng được phép sản xuất lại và sở hữu với điều kiện là đăng ký sở hữu. Hiện nay ở Nhật Bản ai cũng có thể sở hữu kiếm Nhật nếu có thẻ đăng ký và thực hiện thủ tục đăng ký khi thay đổi chủ sở hữu tại Sở giáo dục của các tỉnh. Đến khoảng năm 2010 giá trị kiếm Nhật được coi lại ở khía cạnh mỹ thuật phẩm. Nhiều triển lãm được tổ chức và nhiều người giới trẻ cũng quan tâm đến kiếm Nhật.